Học sinh trung học cơ sở (THCS) đang ở giai đoạn “tuổi dậy thì” nên các xung động thần kinh hưng phấn mạnh hơn ức chế, hành vi dễ bốc đồng khó kiểm soát, dễ bị tổn thương khi thấy mình bị xúc phạm.
Nên trong các hoạt động giữa các em với nhau dễ xảy ra xung đột tâm lí. Xung đột tâm lí không chỉ ảnh hưởng đến bầu không khí giữa học sinh với nhau mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tâm lí, đến hiệu quả học tập, đến sự hình thành và phát triển nhân cách của các em.
Hiện nay, không ít những trường hợp do mâu thuẫn, bất đồng mà các em sẵn sàng cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau, phân chia bè phái, đánh bạn “hội đồng”...; và cũng không ít trường hợp các emkhông tìmđược cách giải quyết xung đột, không dám chia sẻ với ai, khiến bản thân rơi vào trầm cảm, sút cân, bỏ học, tự hủy hoại bản thân, thậm chí còn tự tử... Đây là một vấn đề rất cần sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, không phải mọi xung đột hay mâu thuẫn đều không tốt bởi vì xung đột là động lực của sự phát triển, xung đột giúp các emhiểu và có kinh nghiệm giải quyết vấn đề hơn. Vì vậy, việc tìm hiểu các cách giải quyết xung đột tâm lí trong giao tiếp với bạn của học sinh THCS có ý nghĩa quan trọng để từ đó đưa ra các cách giải quyết hợp lí.
Nghiên cứu về các cách giải quyết xung đột của các nhà tâm lí đi trước như Đinh Thị Kim Thoa, quá trình giải quyết xung đột bao gồm 6 bước quan trọng sau: “các bên đồng ý tháo gỡ các thỏa thuận và đưa ra nguyên tắc hoạt động; thu thập thông tin về xung đột và những nhu cầu của các bên; xác định chính xác nội dung của xung đột; đưa ra những ý kiến về giải pháp; chọn lấy một phương án tối ưu; đạt được sự đồng ý của hai bên”.
Để làm được điều này thì cá nhân xung đột phải có những kĩ năng cần thiết như: kĩ năng lắng nghe, kĩ năng thâu tóm vấn đề, tư duy sáng tạo, biết đồng cảm... Tác giả Nguyễn Đình Mạnh (2007) đưa ra 3 cách thức giải quyết xung đột:
- Lãng tránh xung đột: không muốn gặp mặt, im lặng khi buộc phải gặp nhau; lảng tránh cả những người muốn giúp đỡ, hòa giải;
- Đấu tranh với thái độ bất cần: bất cần suy nghĩ tìm hiểu nguyên nhân gây ra xung đột, không quan tâm đến ý kiến quan điểm của người kia, tranh luận đến cùng để bảo vệ ý kiến và dọa chấm dứt tình cảm nếu không được đáp ứng;
- Cùng hợp tác với thái độ chân thành: hai người tích cực tìm hiểu để phát hiện nguyên nhân chính gây ra xung đột, họ luôn tìm cơ hội để ở bên nhau, cùng trao đổi, thảo luận chân thành về nguyên nhân và tích cực tìm hiểu các biện pháp giải quyết hiệu quả cao nhất. Tác giả cho rằng, cách thức lảng tránh và đấu tranh với thái độ bất cần là cách thức tiêu cực nhưng vẫn được dùng đến khi cần thiết, còn cách cùng nhau hợp tác với thái độ chân thành là cách thức tích cực nên được sử dụng trong việc giải quyết những xung đột tâm lí.
Tác giả Nguyễn Thị Minh cũng đưa ra 5 cách thức giải quyết xung đột tâm lí đó là: tập trung vào vấn đề (tìm hiểu nguyên nhân, nói chuyện cởi mở với nhau, trao đổi bàn bạc...); lảng tránh; tìm kiếm sự trợ giúp; chấp nhận, chịu đựng; giải quyết tiêu cực. Như vậy, mỗi tác giả lại đưa ra cách giải quyết xung đột khác nhau bởi đối tượng và khách thể nghiên cứu, tình huống nảy sinh xung đột khác nhau... Từ những nghiên cứu trên, chúng tôi đưa ra 3 hướng giải quyết xung đột như sau:
Hướng thứ 1: Cùng nhau giải quyết vấn đề, cách giải quyết này phù hợp và hiệu quả với những xung đột rất thấp, thấp và trung bình, lúc này các em tìm hiểu nguyên nhân, cùng nhau nói chuyện về vấn đề đó để giải quyết xung đột.
Hướng thứ 2: Tìm người trung gian hòa giải, cách này giải quyết đối với một số trường hợp xung đột trung bình, xung đột ở mức độ cao và rất cao.
Hướng thứ 3: Tham vấn tâm lí, cách giải quyết này sử dụng cho một số trường hợp xung đột cao và chủ yếu ở xung đột rất cao. Lúc này các em cảm thấy bế tắc không giải quyết được và thường giải quyết một cách tiêu cực như: Giả vờ bình thường nhưng vẫn ấm ức khó chịu, thấy mình có lỗi nhưng mặc kệ muốn đến đâu thì đến, cãi nhau, chỉ trỏ, vứt đồ đạc của nhau, chửi nhau, lăng mạ nhau, đánh nhau bằng tay chân, đồ vật gì đó, mất niềm tin về bạn, ghét bạn, căm thù bạn, tức giận tìm cách trả thù bạn (nói xấu, chia rẽ bạn...), tự hủy hoại bản thân.
Có thể khái quát 16 cách giải quyết xung đột cơ bản mà các em HS hay sử dụng, được xây dựng dựa trên cơ sở 3 hướng giải quyết xung đột ở trên:
- 1. Tự tìm hiểu nguyên nhân để biết mình đúng hay sai;
- 2. Cùng nhau nói chuyện về vấn đề đó để giải quyết tranh luận;
- 3. Biết sai và nhận lỗi để chơi lại bình thường với bạn;
- 4. Không phục nhưng vẫn nói chuyện bình thường như không có chuyện gì xảy ra;
- 5. Thấy có dấu hiệu tranh cãi nên im lặng không tranh luận thêm chờ lúc khác nói chuyện tiếp;
- 6. Tâm sự với người tin tưởng (bạn, bố mẹ, thầy cô), chia sẻ tìm cách giải quyết ;
- 7. Tìm bạn khác để chơi, không chơi với bạn nữa;
- 8. Thấy mình có lỗi nhưng mặc kệ, muốn đến đâu thì đến;
- 9. Giả vờ bình thường nhưng vẫn ấm ức, khó chịu;
- 10. Mặc dù biết mình đúng nhưng mặc kệ không muốn tranh luận với bạn;
- 11. Cãi, chửi nhau, vứt đồ đạc của nhau, lăng mạ nhau
- 12. Nhờ can thiệp của chuyên viên tâm lí;
- 13. Đánh nhau bằng tay chân, đồ vật gì đó;
- 14. Mất niềm tin về bạn, ghét bạn, căm thù bạn;
- 15. Tức giận tìm cách trả thù bạn (nói xấu, chia rẽ bạn…);
- 16. Tự hủy hoại bản thân.
Tóm lại, giải quyết xung đột tâm lí trong giao tiếp với bạn của học sinh THCS thành công là quá trình hai bên phải tìm ra được phương hướng thỏa hiệp thấu đáo, cùng đưa ra quyết định chung mà qua đó hai bên không có sự tổn thương về mặt tâm lí, không ảnh hưởng đến hiệu quả học tập, tình bạn giữa các em với nhau, các em tiếp tục chơi với nhau, phối hợp tốt với nhau trong các hoạt động. Việc thực hiện này có hiệu quả khi đi kèm các biện pháp sau:
- Tổ chức các trò chơi, tạo tình huống xung đột cho các em được trải nghiệm và thể hiện các cảm xúc, hành vi xung đột, để các em có trải nghiệm tự đánh giá, nhận xét về nó sau đó cho các em giải quyết xung đột. Tổ chức các hội thi về giao tiếp ứng xử, nêu gương những tấm gương tốt. Sử dụng truyền thông (phim, truyện kể...) tuyên truyền, giáo dục những kiến thức và kĩ năng xử lí khi có xung đột.
- Thực hành cách quản lí cảm xúc của bản thân: hít thở sâu càng chậm càng tốt, suy nghĩ đến việc nếu mình là bạn mình cũng sẽ phản ứng như thế để thông cảm, chấp nhận lời nói, cảm xúc, hành vi của bạn, nghĩ đến hậu quả khi xung đột với bạn. Trang bị cho các em những hiểu biết về xung đột tâm lí, các biểu hiện của cảm xúc và hành vi xung đột, những tác động xấu của xung đột đến hoạt động học tập, đời sống tâm lí. Trang bị kiến thức về giao tiếp ứng xử như phát triển khả năng đồng cảm, cách lắng nghe và tôn trọng nhau khi giao tiếp, biết nói lịch sự, từ tốn với người nghe, hiểu rõ và thấy được ý nghĩa của sự tôn trọng và sự lắng nghe khi giao tiếp. Giúp các em hiểu được sự cần thiết của việc im lặng, lảng tránh khi có xung đột. Giúp các em nhận diện được các cảm xúc và hành vi tiêu cực của bản thân, của bạn để biết điều chỉnh cảm xúc và hành vi của mình sẽ làm cho xung đột giảm đi. Cuối cùng sẽ là tìm người trợ giúp “người trung gian hòa giải”. Giúp các em nhận biết được sự khác biệt và chấp nhận sự khác biệt của bạn thông qua trò chuyện, đối thoại. Học cách im lặng, lảng tránh khi có dấu hiệu của xung đột, khi nào cả hai bình tĩnh sẽ nói chuyện hiệu quả hơn.
- Xây dựng đội ngũ “trung gian hòa giải” và tham vấn học đường, như mạng lưới từ lớp đến tổ chức đoàn hội, đội ngũ giáo viên, chuyên viên tư vấn học đường. Cụ thể: lựa chọn đội ngũ hòa giải ngay tại các lớp, đoàn hội (bạn có lực học tốt, các bạn năng động, các bạn đã có “bề dày” về xung đột với bạn...). Các em sẽ được tập huấn về cách nhận biết xung đột, cách giải quyết xung đột, cụ thể: các em sẽ được trao đổi kinh nghiệm, kĩ năng từ các thầy cô giáo có kinh nghiệm, chuyên viên tư vấn học đường. Tổng phụ trách đội, cán bộ đoàn, giáo viên, cán bộ tham vấn thường xuyên tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm theo định kì hàng tháng, quý; tham gia các lớp tập huấn tham vấn học đường để có kĩ năng xử lí xung đột theo những thay đổi của thực tế.
- Tài liệu tham khảo
Đinh Thị Kim Thoa (2002). Xung đột tâm lí của trẻ mẫu giáo trong hoạt động vui chơi. Luận án tiến sĩ Tâm lí học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Nguyễn Đình Mạnh (2007). Xung đột tâm lí trong tình yêu nam nữ của sinh viên. Luận án tiến sĩ Tâm lí học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Nguyễn Thị Minh (2014). Xung đột tâm lí giữa vợ - chồng trong các gia đình tri thức trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Luận án tiến sĩ Tâm lí học, Học Viện Khoa học Xã hội.