Gây hấn trong trường học hiện đang trở thành vấn nạn của xã hội, nó diễn ra dưới nhiều hình thức với các cấp độ khác nhau. Nó gây ra vô số các ảnh hưởng tiêu cực đối với các em trong cuộc sống và học tập.

Bài viết nhằm làm rõ hành vi gây hấn, các yếu tố ảnh hưởng tới hành vi gây hấn, từ đó có những biện pháp tác động phù hợp nhằm giảm thiểu những hành vi gây hấn của HS theo “Hành vi gây hấn bên ngoài dành cho sự đánh giá khách quan về gây hấn lời nói và gây hấn hành vi” của Yudofstey và cộng sự (1986).

hanh vi gay han cua hoc sinh

Phần 1: Biểu hiện của hành vi gây hấn

1. Gây hấn bằng lời nói:

- Làm ồn, hét lên một cách giận dữ;

- Mắng người khác bằng những lời xúc phạm chính họ (ở mức độ nhẹ);

- Nói bậy, nói tục, chửi rủa ác ý đe dọa người khác hoặc bản thân (ở mức độ vừa phải);

- Đưa ra các mối đe dọa bạo lực rõ ràng ví dụ như sẽ làm hại đến người khác.

2. Gây hấn bằng hành vi:

- Với đồ vật: Vẽ bậy, ném đá đồ vật nhưng không làm hỏng; Đập mạnh cửa, vứt quần áo lung tung, tạo thành một mớ hỗn độn; Phá đồ vật, đá vào tường, đập vỡ cửa sổ.

- Với bản thân: Tự cào xước da, tự đánh bản thân và giật tóc mình (không có hoặc chỉ gây ra các vết thương nhẹ); Đập đầu, đấm tay vào các đồ vật, quăng mình xuống sàn hoặc vào các vật nào đó (chỉ đau đớn chứ không gây ra các tổn thương nguy hiểm); Gây ra các vết cắt, vết bầm hoặc vết bỏng nhỏ cho bản thân; Tự làm đau bản thân: gây ra những vết cắt sâu, tự cắn chảy máu, gây ra những vết thương nặng, gẫy xương, mất ý thức, gẫy răng...

- Với người khác: Làm cử chỉ đe dọa, huých vào người các bạn khác; Tấn công, đá, đẩy, kéo tóc người khác nhưng không gây chấn thương cho họ; Tấn công những người khác, gây ra các tổn thương nhẹ, trung bình (vết bầm tím, bong gân...); Tấn công người khác, gây ra những tổn thương thân thể nghiêm trọng (gẫy xương, gây ra những vết thương nặng, vết rách sâu...).

Phần 2: Yếu tố ảnh hưởng và biện pháp giảm thiểu hành vi gây hấn

Thực tế cho thấy, những HS có tính gắn kết trường học càng cao thì mức độ gây hấn của các em càng thấp. Theo Resniek và cộng sự (1997), tính gắn kết trường học có thể được định nghĩa là sự gắn kết giữa HS với HS, với thầy cô, và với môi trường học đường mà ở đó, các em được tôn trọng, đối xử công bằng và cảm thấy an toàn về cả mặt cảm xúc và hành vi. Khả năng tự kiểm soát được chia thành 2 loại: kiểm soát tích cực và kiểm soát tiêu cực. Khả năng tự kiểm soát tích cực tương quan nghịch với gây hấn bằng lời nói và tương quan nghịch ở mức độ cao với các loại gây hấn còn lại, tức là ở một số HS khả năng tự kiểm soát tích cực càng tốt thì các em có mức độ gây hấn càng thấp. Trong khi đó, khả năng tự kiểm soát tiêu cực tương quan thuận chặt chẽ với các loại hành vi gây hấn. Điều này chỉ ra rằng HS có khả năng kiểm soát tiêu cực càng cao thì có xu hướng thực hiện hành vi gây hấn càng nhiều.

Để giảm thiểu những biểu hiện hành vi gây hấn ở HS, các nhà trường cần xây dựng được chương trình can thiệp hợp lí, chú ý đến vai trò của mối quan hệ bè bạn từ đó xây dựng môi trường học tập thân thiện, có những hoạt động giúp tăng sự thân thiện, đoàn kết giữa HS với HS.

Đối với giáo viên có thể tổ chức những buổi sinh hoạt với chủ đề: “Giảm thiểu hành vi gây hấn”, hướng dẫn HS tự chủ động rèn luyện, nâng cao khả năng tự kiểm soát.

Trong gia đình, cần xây dựng bầu không khí tâm lí hòa thuận, dân chủ trong gia đình. Phụ huynh cần trau dồi kiến thức về tâm sinh lí lứa tuổi vị thành niên để hiểu con, làm bạn cùng con, chia sẻ mọi buồn vui cũng như khó khăn trong cuộc sống, qua đó hướng dẫn con những kĩ năng giải quyết mâu thuẫn xung đột và làm chủ cảm xúc của chính bản thân mình nhằm giảm thiểu suy nghĩ tiêu cực cũng như gây hấn thái độ.

Mỗi HS cần có những kĩ năng để phòng tránh hành vi gây hấn như: giao tiếp, kiểm soát cảm xúc bản thân, ứng xử, giải quyết tình huống chứa mâu thuẫn trong xã hội. Khi chứng kiến hành vi gây hấn, các em cần có thái độ như: phản đối, lên án hành vi này.

Tài liệu tham khảo

Hoàng Xuân Dung (2010). Khác biệt về giới trong hành vi gây hấn của học sinh trung học phổ thông. Tạp chí Nghiên cứu gia đình và giới, quyển 20, số 3, tr 68-77.

Yudofsky, S. C. - Silver, J. M. - Jackson, W. - Endicott, J. - Williams, D. (1986). The Overt Aggression Scale for the objective rating of verbal and physical aggression. The American journal of psychiatry.

Trần Văn Công - Nguyễn Thị Hồng - Lý Ngọc Huyền (2016). Thực trạng hành vi gây hấn của học sinh trung học cơ sở. Kỉ yếu hội thảo khoa học quốc gia về “Phòng, chống bạo lực học đường trong bối cảnh hiện nay”. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 336-324.

Liên hệ

Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông Nguyễn Tri Phương

Địa chỉ: 112/48 Bùi Quang Là, Phường 12, Quận Gò Vấp.

Điện thoại: (028) 542 77 888 | Hotline: 0906 800 790