Tổ chuyên môn là một bộ phận cấu thành nên bộ máy của nhà trường. Các tổ chuyên môn có mối quan hệ hợp tác với nhau, phối hợp tốt với các bộ phận và đoàn thể trong nhà trường thực hiện các nhiệm vụ.
Sinh hoạt chuyên môn là một trong những hoạt động nhằm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sư phạm cho giáo viên. Sinh hoạt chuyên môn cũng góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy. Mặt khác, sinh hoạt chuyên môn còn tạo điều kiện cho giáo viên giữa các tổ giao lưu học tập lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm về những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả nhằm góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, đồng thời qua đó tạo được sự thống nhất trong thực hiện quy chế chuyên môn.
Ai trong chúng ta cũng biết: muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi. Như vậy, đòi hỏi mỗi giáo viên không ngừng học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Buổi sinh hoạt chuyên môn có chất lượng sẽ góp phần không nhỏ giúp giáo viên tự học, tự bồi dưỡng, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình giảng dạy và thực hiện nhiệm vụ dạy học của mình.
Sau những buổi sinh hoạt chuyên môn tháng 9, thầy cô khối Tiểu học đã chia sẻ những kinh nghiệm về giáo dục học sinh, xử lý những tình huống sư phạm khéo léo và hiệu quả. Thầy cô đã xây dựng hoàn chỉnh những mục tiêu cần đạt được trong năm học cùng các biện pháp thực hiện cụ thể, phù hợp. Thầy cô cũng đã nắm chắc về những điểm mới của Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh Tiểu học, đồng thời từng thành viên cũng đề ra được 3 điều bản thân cần cải thiện; 3 điều tổ chuyên môn cần cải thiện và 3 điều đóng góp ý kiến cho nhà trường cải thiện nhằm hướng đến một môi trường học tập thật tốt cho các em học sinh, đảm bảo các em đạt được những phẩm chất (Yêu nước; Nhân ái; Chăm chỉ; Trung thực; Trách nhiệm), đạt được những năng lực cốt lỗi (Tự chủ và tự học; Năng lực thể chất; Năng lực thẩm mỹ; Năng lực tin học; Năng lực công nghệ; Năng lực khoa học; Năng lực toán học; Năng lực ngôn ngữ; Giải quyết vấn đề và sáng tạo; Giao tiếp và hợp tác).