Rối loạn lo âu là một trong những bệnh lí có căn nguyên tâm lí đang xảy ra khá phổ biến trong xã hội ngày nay. Nó không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lí của cá nhân mà còn để lại những hậu quả xấu cho tiến trình phát triển.
Rối loạn lo âu có thể diễn ra ở mọi lứa tuổi và đang ngày càng gia tăng. Hiện nay, học sinh (HS) trung học phổ thông (THPT) là lứa tuổi có tỉ lệ rối loạn lo âu ở mức cao. HS có rối loạn lo âu sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập trong nhà trường, ảnh hưởng đến đời sống hiện tại cũng như sau này của các em.
“Rối loạn lo âu” là một trạng thái lo lắng, căng thẳng, sợ hãi quá mức mà không rõ nguyên nhân cụ thể và khó có thể giải thích. Trạng thái này thường kéo dài và lặp đi lặp lại gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần. Rối loạn lo âu có những biểu hiện về mặt sức khỏe và về mặt tâm lý.
Biểu hiện về mặt sức khỏe, bao gồm:
1. Cơ thể mệt mỏi, uể oải, không muốn vận động
2. Chóng mặt, hoa mắt
3. Đau đầu, đau nửa đầu
4. Tim đập mạnh, mạch nhanh hoặc thở gấp
5. Bồn chồn, không yên
6. Tăng huyết áp
7. Tăng tiết mồ hôi (tay, chân...)
8. Run tay, cảm giác tê buốt các ngón tay
9. Dễ bực bội, cáu kỉnh
10. Cơ bắp căng cứng, khó thư giãn
11. Khó ngủ, ngủ không ngon giấc, hay gặp ác mộng
12. Nặng người, đau mỏi cơ thể
13. Tức ngực, khó thở, khô mồm
14. Cảm giác khó chịu vùng thượng vị, cơ thể mất cân bằng
15. Cảm giác đầu óc trống rỗng
Biểu hiện về mặt tâm lý, bao gồm:
1. Hay cáu giận, bực tức mà không rõ lí do
2. Khó tính, khắt khe hơn trước
3. Khó tập trung suy nghĩ, hay có những suy nghĩ vớ vẩn
4. Chán nản, không muốn làm gì
5. Lo sợ bị thất bại, thua kém bạn
6. Lo lắng về những điều bất hạnh rủi ro
7. Cảm thấy khó khăn chồng chất, không thể khắc phục được
8. Do dự, khó khăn khi đưa ra những quyết định
9. Cảm thấy không ai hiểu mình, yêu thương, chia sẻ với mình
10. Lo lắng thái quá, khó kiểm soát những ý nghĩ không đâu
11. Căng thẳng, cảm giác muốn “nổ tung”
12. Không muốn giao tiếp với người khác
13. Thất vọng về bản thân, cảm giác bất lực
14. Tinh thần suy sụp
15. Có những suy nghĩ tiêu cực.
Nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu chủ yếu là từ áp lực học tập, áp lực chọn nghề, từ bất đồng trong mối quan hệ bạn bè, thầy cô, ảnh hưởng từ những khó khăn trong gia đình (kinh tế, hạnh phúc gia đình...).
Một số rối loạn lo âu có nguyên nhân từ sức khỏe sinh lí: do sức khỏe các em không tốt, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lí, không đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động dẫn đến tình trạng các em thường mệt mỏi, căng thẳng,... Khi gặp áp lực, căng thẳng, các em chưa biết cách đối mặt, và vượt qua phù hợp.
Do đó, cần có những giải pháp can thiệp kịp thời để các em sớm vượt qua khó khăn tâm lí, giữ được thái độ và kết quả học tập tốt. Cách tổ chức giảng dạy, học tập, sinh hoạt trong môi trường học đường cần được thay đổi theo hướng giảm áp lực cho HS, giúp các em cân bằng giữa hoạt động học tập và vui chơi, giải trí.
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Công Khanh (2016). Tư vấn tâm lí tuổi vị thành niên. NXB Đại học Sư phạm.
Berrios G, Link C (1995). Anxiety Disorders, in a History of Clinical Psychiatry. New York University Press, pp 515-545.
Bùi Quang Huy (2017). Rối loạn lo âu. NXB Y học.
American Psychiatric Association (2013). Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders fifth edition (DSM-V). London, England. American Psychiatric Publishing, pp 189-214.
Lương Hữu Thông (2005). Sức khỏe tâm thần, các rối loạn tâm thần thường gặp. NXB Lao động.
Trần Thị Lệ Thu (2010). Xây dựng và phát triển tâm lí học đường tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và mộtsố đề xuất về đào tạo cán bộ tâm lí học đường ở Việt Nam. Kỉ yếu hội thảo khoa học: Nghiên cứu giáo dục và ứng dụng Tâm lí học - Giáo dục học trong thời kì hội nhập quốc tế. NXB Đại học Sư phạm, tr 70-75.